Đồng bằng châu thổ sông Hồng

Dấu ấn của nền văn minh

Trải qua 4000 năm lịch sử, vùng châu thổ sông Hồng đã trở thành cái nôi hình thành nên nền văn hoá, văn minh của người Việt. Sở dĩ gọi là sông Hồng, bởi nơi đây được dòng sông đỏ nặng phù sa bồi đắp quanh năm, khiến cho vùng đất ngày càng trù phú và màu mỡ. 

Là vùng đất được mẹ thiên nhiên vô cùng ưu ái, nơi đây từ lâu đã tập trung rất nhiều cư dân đến an cư và lập nghiệp. Vì vậy mà vùng đồng bằng Bắc Bộ cũng là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống, đặc biệt là nền văn minh lúa nước đặc trưng của Việt Nam. Bên cạnh nền nông nghiệp phát triển, người dân Bắc Bộ cũng nổi tiếng với các làng nghề truyền thống, nơi sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo dành cho vua quan triều đình. Cho đến tận ngày hôm nay, hình ảnh những dãy núi hùng vĩ cùng làng quê Bắc Bộ thanh bình vẫn là một biểu tượng, một giá trị văn hoá nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam, là nét đẹp cần được gìn giữ và bảo vệ để những giá trị ấy mãi mãi trường tồn, không bị mai một.

Hoa Lư

Cố đô ngàn năm

Nằm trong khu vực châu thổ sông Hồng, cố đô Hoa Lư được công nhận là di sản văn hoá thế giới, thuộc quần thể di tích Tràng An, Ninh Bình. Nơi đây nổi tiếng với núi non trùng điệp, “núi trong sông, sông trong núi”, “sau lưng là rừng, trước mặt là đồng bằng, xa nữa là biển cả". 

Vào thế kỷ thứ 10, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, chọn quê hương Hoa Lư làm kinh đô, lấy tên nước là Đại Cồ Việt. Đến nay, dù chỉ còn là cố đô một thời, nhưng nơi đây vẫn còn lưu lại nhiều dấu tích của thời kỳ đầu nền phong kiến Việt Nam như đền chùa, lăng tẩm, đình làng,... Bên cạnh các di tích lịch sử, nơi đây hàng năm đều tổ chức lễ hội cố đô Hoa Lư như một cách để tôn vinh vị anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh - người khai sinh ra nước Việt Nam. 

Với những giá trị văn hoá, lịch sử đặc biệt, cố đô Hoa Lư đã trở thành một điểm du lịch có lượng khách quốc tế đứng đầu trong 8 di sản UNESCO tại Việt Nam, cần được bảo vệ và gìn giữ cho muôn đời sau.