Nhân viên

Những con người thầm lặng làm nên Tam Coc Garden

Từ lâu, Ninh Bình đã vô cùng nổi tiếng với núi non trùng điệp, với cố đô tráng lệ. Nhưng, vẻ đẹp của Ninh Bình không phải chỉ nằm ở cảnh, mà còn cả ở con người. Hình ảnh những người dân quê chăm chỉ, hiền hậu, thật thà đã trở thành niềm cảm hứng cho nhiều bức ảnh, bài thơ,và là nét quyến rũ đối với những du khách đến thăm nơi đây. 

Chăm chỉ, cần cù, sáng tạo là những đức tính mà du khách có thể dễ dàng nhận thấy khi đến thăm Tam Coc Garden nói riêng và vùng đất Ninh Bình nói chung. Người dân nơi đây luôn sống cởi mở và hào phóng, họ luôn yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau và truyền lại cho thế hệ sau ý thức gìn giữ thiên nhiên, môi trường xung quanh họ. Chính vì vậy mà du khách đến đây luôn cảm thấy rất đỗi gần gũi, thân thiết, không còn là những vị khách xa lạ mà như những người bạn từ phương xa đến chơi nhà. 

Tại đây, đa phần nhân viên đều là những người đã gắn bó từ những ngày đầu xây dựng. Mỗi câu chuyện của họ là một mảnh ghép, tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp, ấm áp về đại gia đình Tam Coc Garden ngày hôm nay.

Chị Đinh Tâm

Làm việc ở Tam Coc Garden - khi giấc mơ trở thành sự thật

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông ở làng nghề chế tác đá Ninh Vân, Ninh Bình, tôi không có nhiều điều kiện học tập như những trẻ em khác nơi thành phố. Rồi đến năm lớp 6, tôi may mắn có cơ hội được học tiếng Anh. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác khi lần đầu được tiếp xúc với một ngôn ngữ mới. và chính từ lúc đó, tôi đã tìm thấy giấc mơ của mình, đó là có thể nói tốt thứ tiếng xinh đẹp này. 

Tính đến giờ là đã hơn 6 năm tôi làm việc tại Tam Coc Garden. Chính tình yêu với ngôn ngữ phương Tây này đã tiếp thêm động lực cho tôi mỗi ngày. Buổi sáng, tôi thức dậy và bắt đầu công việc với niềm hạnh phúc khi được làm điều mình muốn. Tôi được gặp gỡ nhiều người từ khắp nơi trên thế giới, được trò chuyện và nghe họ kể về nền văn hoá nước họ. Đổi lại, tôi có cơ hội được giới thiệu về vẻ đẹp của mảnh đất quê hương thân yêu đến cho những vị khách đến thăm nơi đây. 

Kể từ năm 2012, Ninh Bình đã có rất nhiều thay đổi. Và tôi thật sự rất biết ơn những thay đổi ấy, bởi, ngành du lịch phát triển không chỉ cải thiện đời sống của người dân chúng tôi, mà nhờ nó, tôi có thể tìm thấy công việc mơ ước của mình. 

Đinh Tình

Tam Coc Garden vừa là “hàng xóm", cũng chính là gia đình thứ hai, nơi có chồng và chị gái đều là đồng nghiệp..

Tôi là Tình, 30 tuổi. Tôi sinh ra và lớn lên ở Ninh Bình, và từng học đại học ở Hà Nội. Sau khi ra trường, tôi đã làm việc cho một vài nơi ở Hà Nội trong lĩnh vực du lịch. Cuối năm 2014, tôi quyết định về quê hương nơi mình sinh ra để sống và làm việc. Nhiều người hỏi tôi tại sao không ở lại Hà Nội- nơi có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng tôi yêu Ninh Bình, tôi muốn sống gần bố mẹ mình và quan trọng về quê tôi vẫn có thể làm việc trong lĩnh vực tôi đã được học, lĩnh vực tôi yêu thích – làm việc trong ngành dịch vụ - du lịch.

Tôi may mắn được giới thiệu vào làm việc tại Tam Coc Garden, khu nghỉ dưỡng nhỏ nhưng luôn mang lại cảm giác ấm áp, thân thương. Tôi làm việc ở bộ phận lễ tân – nơi được ví như vị trí trung tâm của khách sạn, là cầu nối giữa các bộ phận trong công ty và hơn thế nữa là cầu nối giữa khách hàng tới các bộ phận vận hành. Ở vị trí lễ tân, công việc hàng ngày của tôi là chào đón, giao tiếp với các vị khách đến từ các nơi trên thế giới. Tôi được học hỏi, được mở rộng hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau. Sáu năm gắn bó với mái nhà Tam Coc Garden, tôi vẫn luôn yêu thích công việc của mình như những ngày đầu tiên.

Điều đặc biệt hơn khi làm việc ở đây, tôi đã tìm được một nửa của mình. Tôi quen rồi yêu chàng nhân viên kỹ thuật tên Dũng. Chúng tôi kết hôn năm 2018. Nhà anh ở  ngay đối diện Tam Coc Garden, nên sau khi cưới chồng, tôi và chồng có thể đi bộ tới chỗ làm hàng ngày. Chính thuận lợi này giúp tôi có thể dành thêm thời gian cho gia đình, cho bé Xoài - tình yêu bé nhỏ của vợ chồng tôi. Tôi và chồng đều làm ca kíp nên chúng tôi phải luân phiên thời gian để chăm con, và thường có ít thời gian ở nhà cùng nhau. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn luôn cố gắng cân bằng mọi thứ, đảm bảo để có thể hoàn thành công việc, và dành thời gian chăm sóc con, xây dựng hạnh phúc gia đình của mình.

Chị Thanh Hà

Từ một người phụ nữ chỉ biết thêu thùa và làm ruộng, trở thành một Quản lý buồng đầy nhiệt huyết.

Tam Coc Garden nằm trong một ngôi làng nhỏ yên tĩnh và thanh bình mang tên làng Hải Nham. Và đó cũng là nơi quê cha đất tổ của gia đình tôi. 

 

Cuộc sống của những gia đình nhà nông thực sự rất bấp bênh. Hết năm lớp 9, tôi dừng việc học tập để dành thời gian phụ giúp cho gia đình. Con đường hôn nhân của tôi bắt đầu từ rất sớm, và thật không may, nó cũng nhanh chóng kết thúc. Tôi ly hôn và một mình nuôi hai đứa con. 

Để kiếm tiền trang trải cuộc sống, tôi đã làm đủ mọi nghề như làm ruộng thuê, may vá,... hay bất cứ công việc nào phù hợp. Đã từng có lúc tôi cảm thấy mệt mỏi, nghi ngờ vào bản thân. Khi ấy, tôi lại nghĩ đến những đứa con của mình, vực bản thân mình dậy và nghĩ đến một tương lai tươi sáng hơn cho tôi, và cho các con. Chính điều đó đã giúp tôi đi đến ngày hôm nay, trở thành Quản lý Buồng trong một khu nghỉ dưỡng được khách hàng trên cả thế giới biết đến. Nguồn thu nhập hàng tháng trở nên ổn định, các con tôi có một cuộc sống đầy đủ hơn. 

Bên cạnh đó gia đình tôi cũng có nhiều người làm việc trong Tam Coc Garden. Em trai làm Giám sát của bộ phận Kỹ thuật, em dâu làm ở quầy Lễ tân, chị dâu làm bộ phận Buồng phòng. Thực sự, Tam Coc Garden giờ đây không chỉ là hàng xóm, mà đối với tôi, nơi đây đã trở thành một gia đình, một ngôi nhà thứ hai của tôi. 

Dưỡng

Tam Coc Garden đã tặng cho tôi một món quà vô cùng quý giá, đó là gia đình.

Từ khi còn nhỏ, tôi đã rất thích ngoại ngữ và mơ một ngày có thể được đi du học, nhưng kinh tế gia đình không cho phép tôi thực hiện điều đó. Tôi bắt đầu học tiếng Anh từ khi 12 tuổi, sau đó theo học tiếng Nga tại đại học. Tốt nghiệp, tôi chuyển đến Mũi Né làm việc cho một khách sạn và có cơ hội tiếp xúc với khách du lịch đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Nhờ đó mà tôi có thể nói được thêm tiếng Đức, Trung Quốc và Ba Lan. Câu châm ngôn yêu thích của tôi là “Học, học nữa, học mãi.” 

Tháng 7 năm 2018, tôi bước chân vào Tam Coc Garden với vai trò nhân viên pha chế và phục vụ. Nơi đây đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời, kinh nghiệm làm việc và những người bạn, người đồng nghiệp tốt,... Đặc biệt hơn cả, đây là nơi tôi đã gặp người phụ nữ của đời mình. Giờ đây, tôi, 30 tuổi, có một công việc tốt, một người vợ và một bé gái xinh đẹp. Đối với tôi không còn gì tuyệt vời hơn. Mục tiêu mỗi ngày của tôi là trở thành một người nhân viên, một đồng nghiệp tốt, đồng thời là một người chồng, một người cha trụ cột trong gia đình. 

Dĩ nhiên, niềm đam mê với ngoại ngữ trong tôi chưa bao giờ tắt. Hiện tại tôi đang học thêm tiếng Pháp, Hà Lan và Do Thái với mong muốn được trò chuyện, trao đổi và hiểu hơn về văn hoá và ngôn ngữ của mỗi vị khách đến với Tam Coc Garden. Bằng cách nào đó, tôi hy vọng những việc tôi làm có thể góp phần lan tỏa vẻ đẹp của vùng đất quê hương Ninh Bình tới bạn bè khắp năm châu. 

No image

Hương

Trưởng thành và tự tin trong cuộc sống

Vừa bước chân ra khỏi giảng đường đại học, tôi rất may mắn khi tìm được một vị trí trong bộ phận Nhà hàng ở Tam Coc Garden. Thế nhưng trong cuộc sống, không có gì là dễ dàng. Khoảng thời gian đầu, không kinh nghiệm, thiếu kỹ năng, tôi hoàn toàn bối rối và lúng túng trước mọi nhiệm vụ được giao, từ việc bày biện đĩa chén đến việc giao tiếp với khách nước ngoài. Cảm giác thất bại và áp lực khiến tôi muốn từ bỏ công việc này. Thế nhưng, những lời động viên từ đồng nghiệp đã giúp tôi từng chút, từng chút vượt qua những khó khăn ban đầu. Tôi học từng quy tắc trang trí và phục vụ trong nhà hàng, luyện thêm tiếng Anh mỗi ngày, quan sát và học hỏi các anh chị đồng nghiệp, dần dần, tôi tìm lại được sự tự tin của bản thân. 

Hơn 6 năm trôi qua, cuộc sống ở Tam Coc Garden đã cho tôi thêm nhiều trải nghiệm mới. Tôi biết thêm về đời sống, con người, văn hóa của các nước phương xa, học cách sống tích cực hơn từng ngày và bảo vệ môi trường xung quanh. 

Thực sự, du lịch đã đem đến cho những người dân vùng quê như chúng tôi một cuộc sống tốt đẹp, ấm no và đầy đủ hơn. Cùng với Tam Coc Garden, tôi hi vọng có thể giới thiệu đến tất cả mọi người vẻ đẹp của vùng đất quê hương mình.

Phạm Thu

Tôi tin rằng định mệnh đã đưa tôi đến với Tam Coc Garden để tôi có được ngày hôm nay

Nếu quan tâm đến đời sống văn hóa thời xưa của Việt Nam, hẳn mọi người sẽ biết con trai chiếm vị trí quan trọng thế nào trong gia đình, nhất là ở các vùng nông thôn, bởi chỉ cánh đàn ông mới có đủ sức để đảm đương những công việc nặng nhọc nơi đồng áng. Sinh ra trong một gia đình có 3 chị em gái, chúng tôi luôn nhận được những lời đàm tiếu từ họ hàng xung quanh. Thế nhưng, bố mẹ vẫn yêu thương và chăm lo cho cả 3 chị em chúng tôi một cuộc sống đầy đủ, ấm no. 

Ước mơ của tôi là trở thành giáo viên tiếng Anh. Quyết tâm theo đuổi con đường của mình, tôi đã đăng ký nguyện vọng vào trường Đại Học Ngoại Ngữ, nhưng thất bại. Thất vọng, buồn bã, tôi trở về Ninh Bình và theo học kế toán đại học Hoa Lư. Nghĩ lại, có lẽ đó chính là cái duyên giữa tôi và Tam Coc Garden. 

Thời điểm tôi tốt nghiệp đại học cũng là lúc Tam Coc Garden đi vào hoạt động, tôi làm đơn xin việc. Ngày đầu đi làm, mọi thứ đối với tôi đều lạ lẫm, tôi trở nên hoang mang, lo lắng chỉ sợ không làm được việc. Nhưng nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của Ban Giám đốc Tam Coc Garden và các anh chị em đồng nghiệp, tôi tiến bộ nhanh chóng, học hỏi được nhiều kinh nghiệm và trau dồi được nhiều kỹ năng.

Gần chục năm ở Tam Coc Garden, từ một sinh viên vừa ra trường, giờ tôi đã kết hôn và có con. Quãng đường 25km giữa nhà và Tam Coc Garden thực sự là một trở ngại lớn để tôi có thể vừa bảo đảm công việc, vừa chăm sóc chu toàn cho gia đình. Đã nhiều lần gia đình khuyên tôi đổi việc để có thời gian dành cho con, cho chồng, nhưng tôi đã khóc, vì tôi thực sự muốn gắn bó với Tam Coc Garden, muốn phát triển, và vượt qua những khó khăn, thử thách cùng những con người nơi đây.

No image

Quỳnh

Chú chim én nhỏ của Tam Goc Garden

Mình là Quỳnh, bạn bè, đồng nghiệp hay gọi là Quỳnh “còi” vì ngoại hình bé hạt tiêu. Tính mình hoạt bát, thích xê dịch, không chịu ngồi yên chút nào, thỉnh thoảng hơi bốc đồng nên thanh xuân cũng khá sôi nổi, thăng cũng có, trầm cũng có.

Năm 2012, lần đầu trong cuộc đời mình gặp phải biến cố lớn trong công việc khiến mình gần như suy sụp hoàn toàn về tinh thần. Cuộc sống vật vờ, chán ghét đeo bám mình suốt gần 1 năm, cho đến khi mình đọc được thông báo tuyển dụng làm lễ tân cho khách sạn mới mở ở Ninh Bình. Không suy nghĩ nhiều, mình nộp đơn ứng tuyển, phỏng vấn và 3 ngày sau sắp xếp hành lý theo chị Hường đến Ninh Bình, bắt đầu hành trình với Tam Coc Garden.

Sau 1 năm đảm nhiệm vị trí lễ tân, nghe theo tiếng gọi của gia đình, mình quay lại Hà Nội với một cương vị mới: nhân viên kinh doanh. 7 năm nhìn lại, mình thấy bản thân người lớn hơn bao nhiêu, thay đổi biết bao nhiêu và giàu có biết bao nhiêu.

Mình giàu có không phải về tiền bạc, mà với vốn kinh nghiệm nghề nghiệp thực tiễn học từ các anh chị lớn (xin phép được gọi các “sếp” như vậy), từ đồng nghiệp, từ khách hàng, và từ những công việc hằng ngày mà không một trường lớp nào có thể dạy.

Mình được tiếp xúc với bao nhiêu nền văn hóa, gặp gỡ biết bao nhiêu người, từ cô Ninh chú Bổn chất phác, chăm chỉ ở Tam Coc Garden cho đến những người vị khách, những người bạn nước ngoài. Chính họ làm cho thế giới quan của mình thay đổi, mình nhìn mọi thứ xung quanh với con mắt khác biệt hơn, trìu mến hơn, tích cực hơn. Mình nhận ra chú Bổn, cô Ninh, và bất kỳ ai khác, kể cả mình đều có một nét đẹp đặc biệt theo một cách riêng nào đó. Và mình không còn hoài nghi hay tự ti về bản thân thêm nữa.

Đến bây giờ, Tam Coc Garden với mình không còn đơn thuần là nơi mình làm việc, cống hiến, mà còn là ngôi nhà thứ hai, nơi lưu giữ những kỷ niệm thân thuộc. Ai đó nói rằng: “Mọi sự xảy ra trên đời đều có lý do”, vì vậy mình tin là mình có duyên với Tam Coc Garden. Nếu trong tương lai Tam Coc Garden và mình vẫn chọn đi bên cạnh nhau, mình mong muốn bản thân có thể luôn nuôi dưỡng được niềm nhiệt huyết, yêu thích và những cú hích tâm hồn như mình đã có. Bởi vì với mình, đó là thứ “nuôi dưỡng cho tâm hồn”.

Bếp trưởng Louis LÊ

Muốn thành công, trước hết hãy đam mê với công việc mình lựa chọn

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố mẹ làm nông nghiệp và có 7 anh chị em. Bố mẹ tôi đã vất vả cố gắng nuôi lớn các con, và mong muốn các con đều trưởng thành và có công việc ổn định. Ước mơ, hoài bão trở thành công an nhưng đáng tiếc thay tôi đã không thể thi đỗ chuyên ngành mình mong muốn. Tôi quyết định nhập ngũ và tính cống hiến lâu dài trong quân đội, nhưng khi vào môi trường này, tôi lại nhận ra đó ko phải là lý tưởng mình theo đuổi. Sau 2 năm xuất ngũ, bối rối trước lựa chọn quyết định của cuộc đời, qua nhiều lời tham khảo từ mọi người, tôi đã quyết định đi học nghề đầu bếp. Ban đầu bản thân chỉ nghĩ nó là một nghề để kiếm sống. Nhưng qua quá trình làm việc, tiếp xúc với nhiều người thành công, tôi đã được họ truyền một ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết. Lúc đó tôi đã nhận ra rằng: "Bếp không chỉ là nghề để kiếm sống, mà nó còn là cả tình yêu, sự đam mê và cuộc

sống của chính mình". Khi vào bếp, tôi thấy được là chính mình, được thả hồn vào món ăn và được làm những gì mình thích. Tuyệt vời hơn nữa là khi mình mang món ăn của chính mình làm ra và được thực khách trầm trồ, khen ngợi, chụp ảnh lưu niệm, tôi có cảm giác như trái tim vỡ vụn vì hạnh phúc vậy. Giờ đây, ngoài gia đình nhỏ của mình, nghề Bếp chính là lý tưởng sống của tôi. Dù khó khăn và nhiều thử thách, nhưng tôi chắc chắn sẽ theo đuổi sự nghiệp này.

Chú Bổn

Người đàn ông không bao giờ ngủ

Được làm việc là niềm hạnh phúc của tôi. Khi còn trẻ, tôi cùng với các thanh niên làng Nham xung phong tham gia bộ đội theo lời kêu gọi của Tổ Quốc. Sau khi hoà bình lập lại, tôi là một trong những chiến sĩ may mắn được đoàn tụ về với gia đình với thân hình lành lặn và một sức khoẻ trời cho. Rồi tôi được gặp và kết duyên với người con gái xinh đẹp cùng làng mà tôi yêu mến, gia đình nay đã có 2 cháu trưởng thành 1 trai, 1 gái.

Quan niệm sống của tôi rất tích cực và lạc quan. Khi ông trời cho bạn sức khỏe, cho bạn 1 gia đình đầm ấm, thì mình phải sống 1 cuộc sống lành mạnh, có ích cho xã hội, và quan trọng nhất là phải chăm chỉ làm việc, không ỉ lại, dựa dẫm vào ai. Trước khi Tam Coc Garden thành lập, tôi đã là 1 công an viên của xã, phụ trách toàn bộ an ninh trong khu vực. Thời đi bộ đội đã rèn luyện cho tôi kỹ năng nhanh nhẹn, sự bao quát tinh tường, và 1 sức khoẻ dẻo dai để hoàn thành tốt vai trò công an xã. 

Từ năm 2013 đến nay, tôi cảm thấy cuộc sống lại có ý nghĩa hơn khi được gặp chú Hiếu (1 trong những người sáng lập Tam Coc Garden). Vợ chồng chú Hiếu đã mời tôi về làm đội trưởng đội an ninh trực đêm của khách sạn do nhà tôi ở ngay gần kề Tam Coc Garden. Bao năm am hiểu từng ngóc ngách trong làng, xã, cùng với kỹ năng thời còn làm bộ đội, công an, công việc an ninh không có khó khăn gì với tôi cả. Không chỉ trực an ninh vào ban đêm, tôi còn tự đề xuất tham gia làm vườn, chăm sóc cây cối của Tam Coc Garden vào ban ngày. Đừng nghĩ rằng công an, bộ đội là khô khan, cứng nhắc, tôi cũng rất yêu cái đẹp, cũng bay bổng lãng mạn lắm. Tôi được làm những công việc tôi yêu thích, có thêm thu nhập nuôi con ăn học, tôi cảm thấy thật may mắn và hạnh phúc. Vợ chồng tôi đều hướng con trai và con gái theo ngành nhà hàng-khách sạn. Chúng đều đã tốt nghiệp trung cấp nghề và được đào tạo tại Tam Coc Garden để trở thành nhân viên chính thức. Tôi thấy mình có chữ Duyên rất lớn với gia đình chú Hiếu và khách sạn Tam Coc Garden, tôi sẽ còn gắn bó với công ty cho đến khi không thể làm việc được nữa.

Chị Xuyến

Chị ong chăm chỉ, cần cù của khu vườn Tam Coc Garden

Tôi tên là Hoàng Thị Xuyến. Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê nhỏ bé. Xuất thân của tôi là từ gia đình nhà nông. Tuổi thơ của tôi lớn lên từng ngày được đi học và phụ gia đình chăn trâu, cắt cỏ, mò cua bắt ốc. Khi đến tuổi trưởng thành, tôi luôn mong muốn tìm cho mình một công việc phù hợp. Tôi may mắn được Tam Coc Garden tuyển dụng ngay từ thời kỳ đầu hoạt động tại vị trí nhân viên chăm sóc vườn, đến nay đã được 8 năm. Mọi người vẫn nói khu vườn là tâm hồn của Tam Coc Garden. Ai đến đây cũng đều tìm cho mình một góc thật đẹp để chụp ảnh lưu niệm. Cũng có người đến đây chỉ để ngồi đung đưa trên xích đu trong vườn và chăm chú đọc sách. Nhìn thấy khách hàng yêu quý khu vườn đến vậy, tôi cũng tự cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa hơn. Bố mẹ sinh tôi ra, đã cho tôi bản tính kiên trì và tỉ mỉ. Mọi công việc dù nhỏ thôi tôi cũng luôn mong muốn được trau chuốt hoàn thành tốt nhất. Trước đây tôi còn thiếu rất nhiều kĩ năng làm việc, nhưng từ khi vào đây tôi đã được đào tạo nhiều kiến thức, và hiểu biết thêm nhiều kỹ năng mới. Biết hoàn cảnh gia đình tôi còn khó khăn, một mình nuôi 2 con nhỏ, tôi luôn được đồng nghiệp tận tâm giúp đỡ và ưu ái. Khi được làm trong môi trường trong lành, yên tĩnh, bản thân tôi cảm thấy rất thoải mái và tự tin hơn trong cuộc sống.

Anh Nhàn

Hạnh phúc khi được làm công việc mình muốn

Sau khi tốt nghiệp Đại học kỹ thuật, khoa điện tử, giống như bao sinh viên mới ra trường khác, tôi không biết sẽ làm gì, làm ở đâu. Tôi là con trai trong gia đình truyền thống ở Nam Định, nên luôn phải suy nghĩ trách nhiệm làm trụ cột gia đình, nuôi bố mẹ già và vợ con sau này. Các cơ hội việc làm từ năm 2012 trở về trước thực sự không có nhiều, vì mới ra trường nên tôi không đủ tự tin để xin vào các công ty lớn. Vì vậy chủ yếu tôi làm công việc tự do, không có thu nhập ổn định. Khách sạn Tam Coc Garden đã mở ra 1 bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi. Tôi gắn bó với ngôi nhà này đã 8 năm nay và chắc chắn còn lâu hơn thế nữa. Cách nhà hơn 20km, khách sạn lại nằm trong vùng quê hẻo lánh, giữa thung lũng Nham, khi ấy còn rất hoang sơ, gia đình và bạn bè tôi đều không ủng hộ lựa chọn của tôi thời bấy giờ. Nhưng với tôi lại khác, tôi thích những công việc năng động, khám phá tìm tòi, tôi không ngại khó ngại khổ, miễn được lao động và có được 1 sự nghiệp để bố mẹ tôi hài lòng. Trong những giai đoạn đông khách, hay xây dựng khu khách sạn mới, tôi đã từng làm việc liên tục, và không về nhà trong suốt 1 tháng. Nhưng may mắn thay, gia đình tôi rất thông cảm, hiểu niềm đam mê công việc của tôi và luôn tạo điều kiện để tôi hoàn thành công việc. 

Sau 8 năm học việc từ con số 0, tới nay công việc đã mang lại cho tôi rất nhiều giá trị: một nghề nghiệp ổn định, sự mở mang kiến thức về nhiều nền văn hóa trên thế giới mà trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ tới, những người đồng nghiệp chia ngọt sẻ bùi, và quan trọng không kém là một thu nhập ổn định giúp tôi chăm sóc bố mẹ và vợ con. Khi bạn dám nghĩ dám làm và chăm chỉ, bạn sẽ đạt được điều bạn mong muốn. 

`

Hàng xóm

Khi những người bạn giờ đã trở thành gia đình…

Từ xa xưa, văn hoá làng xã đã trở thành một nét văn hoá của người Việt Nam. Trong hoàn cảnh ấy, những người hàng xóm cùng ngõ, cùng làng đã trở thành những người bạn, và đôi khi như gia đình, trong cuộc sống thường ngày của con người nơi đây. 

Từ những ngày đầu thành lập, Tam Coc Garden đã rất may mắn khi được quen biết những người hàng xóm nhiệt tình và tốt bụng, những người đã giúp các hoạt động ở Tam Coc Garden trở nên giàu ý nghĩa hơn. Dạo chơi trên những con đường làng quê yên ả, bạn đừng ngạc nhiên khi thỉnh thoảng bắt gặp những người dân nở nụ cười chào với mình, bởi đó là một nét văn hoá rất đỗi thân thương của những người dân nơi đây.

Chỉ cần quan sát kỹ một chút, có thể dễ dàng nhận thấy tình làng xóm đã ăn sâu vào đời sống của cộng đồng người dân Ninh Bình. Giữa họ có một mối quan hệ mật thiết với nhau. Mối quan hệ ấy không phải được tạo nên trong ngày một ngày hai, mà qua từng hành động đơn giản, tích lũy từ năm này qua năm khác, từ đời này sang đời khác. Và Tam Coc Garden rất vui mừng khi được giới thiệu những người hàng xóm - những mảnh ghép cuối cùng trong câu chuyện của chúng tôi. 

Chú Liên

Ở giữa làng quê yên bình, tôi đang có một cuộc sống viên mãn đúng nghĩa

Gia đình tôi đã gắn bó với mảnh đất làng Nham qua nhiều thế hệ. Nay chỉ còn vợ chồng tôi, 3 người con, cùng dâu, rể và các cháu. Gần 10 người, vài con chó, con mèo, 1 đàn gà … ở chung trong khuôn viên 3 gian nhà mái ngói, sân hiên với 1 ao nuôi cá và 1 vườn trồng rau. Thi thoảng các bạn có nghe thấy tiếng chó sủa, mèo kêu, là tiếng của chó mèo nhà chúng tôi đấy. Chúng rất hiền lành, chỉ giữ cửa nhà và bắt chuột mà thôi. 

Ba người con của vợ chồng tôi: 1 cháu trai và 2 cháu gái đều được tạo điều kiện để làm việc ở khách sạn Tam Coc Garden từ những ngày đầu xây dựng. Cháu trai làm kỹ thuật, sửa điện nước, 2 cháu gái làm buồng phòng. Còn tôi thi thoảng tham gia hướng dẫn khách học các hoạt động thủ công của làng nghề như: hướng dẫn đan rổ, dạy trẻ con làm diều truyền thống, nổ bỏng gạo từ máy cày. Đến hơn nửa số thành viên trong gia đình tôi hàng ngày đều đi bộ mấy bước chân sang khách sạn làm việc. Được thấy các cháu có công ăn việc làm ổn định, có nghề nghiệp được xã hội công nhận, lại có cơ hội tiếp xúc với nền văn minh hiện đại, là những điều mà trước kia tôi chưa bao giờ hình dung tới. 

Ở làng quê chúng tôi vốn dĩ chỉ có nghề trồng lúa nước, thêu thùa và chèo đò. Khi nuôi lớn các con thuở bé, vợ chồng tôi chỉ có mong muốn cho các cháu học được cái nghề để tự chăm lo gia đình. Mặc dù vợ chồng tôi không có nhiều hiểu biết về xã hội hiện đại ngày nay, nhưng chúng tôi tự cảm thấy thật mãn nguyện khi các con, dù không học đến cấp 3, nhưng vẫn có thể được làm việc theo nghề khách sạn, có 1 thu nhập ổn định và quan trọng nhất là tầm hiểu biết đã vượt qua lũy tre làng mà chúng tôi không thể tự mang lại cho các con. Chắc chắn thế hệ các cháu của chúng tôi sẽ còn được học hỏi nhiều và còn đi xa hơn nữa. Còn tôi thì sẽ vẫn ở lại ngôi làng Nham yên bình, giữ lại mảnh đất quê cha đất tổ cho các con các cháu sau này, và tận hưởng 1 cuộc sống viên mãn đúng nghĩa.

Cụ Thym

Người già làng của thôn Văn Lâm, Ninh Hải.

Nhắc đến các hoạt động trải nghiệm và khám phá văn hoá của Tam Coc Garden như văn nghệ dân gian, viết thư pháp, … không thể không nhắc tới cụ Thym. Cụ Thym (tên đầy đủ là Chu Văn Thym), sinh năm 1940, là người gốc Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Trước đây cũng như bao người dân ở khu vực Tam Cốc, cụ sinh sống bằng nghề trồng lúa, làm đồ thêu thủ công truyền thống.

Khi du lịch nơi đây phát triển, cụ thi thoảng đi chèo thuyền đưa khách du lịch tham quan Tam Cốc. Không chỉ có vậy, với niềm đam mê nghệ thuật và tinh thần sáng tạo, học hỏi những điều mới mẻ, cụ còn mày mò quay phim, chụp ảnh. Từ năm 2000, cụ bắt đầu vào trông coi và ở tại đền Thái Vy cho đến nay. Con cháu cụ đều sống ở trong làng và thường xuyên vào đền hàng ngày để thăm nom và chuẩn bị cơm nước cho cụ. 

Tuy không được học tập ở trường nhạc chuyên nghiệp nào, nhưng cụ Thym lại tự học chơi rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Từ nhỏ, cụ đã biết thổi sáo, lớn hơn, cụ học thổi kèn. Và đến tuổi trung niên, cụ biết chơi cả đàn bầu, đàn nhị. Cụ thường cùng các cụ khác trong làng biểu diễn cho những đoàn khách đặc biệt đến thăm làng, thăm đền. Chính bởi những hoạt động sinh hoạt bổ ích đó, nên dù đã ngoại tứ tuần, tinh thần cụ vẫn luôn phơi phới, sức khoẻ cụ vẫn dẻo dai. Nguyện vọng của cụ là có thể sống lâu, vui khoẻ hơn nữa để tiếp tục được chia sẻ với cháu con những hiểu biết của cụ về lịch sử, văn hoá xóm làng, và làm một tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, hoạt bát, yêu quê hương đất nước tới thế hệ thanh niên sau này. 

Cô Như

Một mình nhưng ko cô đơn

Chắc ai đã từng đến nghỉ dưỡng tại Tam Coc Garden đều đã một lần từng nhìn thấy “một bà lão" lọm khọm quét sân, hái rau trước cổng khách sạn, hay thong dong trên đường đi chợ về. Vâng chính tôi là Như, hàng xóm sát vách của Tam Coc Garden. Tôi gắn bó với mảnh đất làng Nham đã hơn 60 năm nay. Các hàng xóm của tôi vì có điều kiện ra thành phố sinh sống nên đã bán lại mảnh đất của họ cho gia đình chú Hiếu và xây dựng nên Tam Coc Garden như bây giờ. Tôi sống 1 mình, không chồng, không con nên tôi muốn gắn bó với mảnh đất quê cha đất tổ này. Ban đầu tôi lo sợ cuộc sống thanh bình của tôi nơi làng quê sẽ bị ảnh hưởng bởi 1 khách sạn cao tầng mọc ra (tôi đã từng nghĩ khách sạn là phải đồ sộ, náo nhiệt). Nhưng điều tôi lo sợ là thừa, cô chú Hiếu Hường đã làm đúng như cam kết khi mua khu vực này, họ đã bảo tồn gần như nguyên vẹn mảnh đất, và xây dựng những ngôi nhà thật xinh xắn (tất nhiên không đẹp hơn nhà tôi là mấy, tôi đùa thôi), với bao quanh là vườn cây cối um tùm, thậm chí còn đẹp và tươi mát hơn khu nhà ở của hàng xóm tôi trước kia. 

Kể từ khi xây dựng khách sạn, Ban giám đốc đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi được sử dụng miễn phí điện, và nguồn nước sạch của khách sạn đưa về. Mỗi dịp Tết đến xuân về, biết tôi ở một mình ko con cháu, nhân viên khách sạn lại mang quà bánh sang biếu tôi. Thật cảm động. 8 năm nay tôi đã quen thuộc với hình ảnh các du khách nước ngoài cao gần 2 thước, da trắng, đẹp như tiên đi ngang qua nhà tôi. Họ không quên nở nụ cười tươi và chào hỏi tôi mỗi khi nhìn thấy tôi đi lại. Mặc dù tôi không hiểu họ nói gì, nhưng tôi cũng luôn cười và đáp chào lại họ. Cuộc sống của tôi bình dị thế thôi, nhưng tôi cảm thấy vui vẻ, và hài lòng với hiện tại. 

Nếu trời cho tôi được sống lâu trăm tuổi, tôi nghĩ sẽ cố gắng giao tiếp với người nước ngoài nhiều hơn nữa và học hỏi ở họ những nền văn minh mới. Nếu Ban giám đốc Tam Coc Garden không về đây, tôi chắc đã bỏ lỡ rất nhiều điều về thế giới phương Tây xa xôi mà tôi chưa từng bao giờ tưởng tượng tới. Tôi sống ở đây một mình thật, nhưng tôi vui vẻ và không cô đơn.

`